HIEN KE
sn bac

Hạnh phúc là sự yêu thương và sẻ chia.

Thứ hai - 15/07/2013 09:51 1.394 0
Hai nhân vật chính trong bức ảnh này là một đôi vợ chồng, sống tại số nhà 15, tổ 3, khu phố Phước Thọ, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Nhiều lần đi công tác ở tỉnh và thường xuyên chứng kiến hình ảnh người chồng sáng nào cũng đẩy chiếc xe lăn đưa người vợ đi dọc theo đường Điểu Ong – thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, có bữa họ dừng lại bên đường, người chồng giữ chặt chiếc xe để người vợ cúi xuống mua khi thì vài mớ rau, ít cọng hành, quả ớt do những người hái từ vườn nhà mang ra chợ bán, lúc thì treo phía sau xe một túi gạo và một vài vật dụng khác rồi lại chậm rãi, khoan thai đẩy xe đi tiếp về nhà, nét mặt hai người lúc nào cũng rạng rỡ, hạnh phúc, yêu thương khiến tôi rất khâm phục, cảm kích và quyết tâm tiếp cận.
Sáng thứ sáu vừa qua, nhân có chuyến đi công tác, tôi ngồi ăn sáng ở một quán bên đường và quyết tâm đợi gặp họ. Hơn bảy giờ sáng, người chồng đẩy chiếc xe lăn đi tới. Rất nhanh, tôi bỏ tô phở đang ăn dở, chụp vội túi xách và chạy ra đường, tiến về phía hai người, tôi chào và tự giới thiệu tên mình, ngỏ ý xin chụp một tấm ảnh. Hai cô chú tươi cười, đồng ý ngay. Qua thời gian chuyện trò, tìm hiểu, tôi được biết người đàn ông tên là Lưu Thanh Lời, sinh năm 1944, quê ở Nghệ An, còn người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Duyên, sinh năm 1947, quê ở Hà Đông. Hai cô chú kết hôn với nhau ngày 01/11/1971. Đi bộ đội đến năm 1978, chú xin phục viên và cô chú tình nguyện đi kinh tế mới tại huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ. Cô chú xin làm công nhân cao su từ năm 1981 đến năm 1992 thì nghỉ và được giải quyết chế độ một lần. Hai cô chú có ba người con, tất cả nay đều đã trưởng thành Năm 1997, một buổi sáng cô ra đồng cắt cỏ về cho cá ăn, mải với tay để cắt một bụi cỏ, chẳng may trượt chân, cô bị lọt xuống một giếng hoang sâu khoảng 30 mét nhưng không có nước. Cô gắng sức kêu cứu nhưng chẳng ai nghe thấy, mãi cho đến quá trưa mọi người mới phát hiện, đi tìm và cứu được cô lên. Hậu quả là cô bị vỡ tim, chùng cột sống, giập đốt xương cụt, gãy hai xương sườn, hai chân không còn cảm giác. Gia đình đưa cô đi chữa trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, tốn kém hơn trăm triệu đồng từ số tiền được giải quyết chế độ một lần, bán vườn tược để lo cho cô nhưng chỉ phẫu thuật được tim, cứu được tính mạng, toàn thân chỉ có phần đầu, cổ và hai tay là còn cử động được, còn các bộ phận khác thì bất động. Lúc đó đứa con gái út đang chuẩn bị thi vào lớp 10, gia đình rơi vào túng bấn. Cô Duyên cho biết thời gian đầu cô hết sức chán nản, tuyệt vọng vì đang là người bình thường, lành lặn phút chốc trở thành người tàn phế, thành gánh nặng cho gia đình, chồng con. Nhiều lúc cô tưởng mình đã không thể vượt qua. Nhưng nhờ tình thương yêu, chăm sóc của chồng, con đã giúp cô vực dậy, vượt qua đớn đau, bệnh tật để mà sống. Thời gian trôi đi, rồi những đứa con của cô cũng đã trưởng thành, lập gia đình, rời xa khỏi vòng tay của cô chú. Cuộc sống của chúng còn chật vật nên chẳng thể giúp đỡ cho cô chú nhiều, chỉ thỉnh thoảng đứa con gái út có gửi cho bố mẹ một chút tiền. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn lại hai người, sống bằng một ít tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sau khi bán đi mảnh vườn và mỗi tháng 180 ngàn là chế độ được hưởng đối với người khuyết tật. Cô nói hai ông bà già bây giờ đâu có ăn bao nhiêu nên cũng không tốn kém mấy. Cô kể đã nhiều năm nay, ngày nào cũng hai lần sáng, chiều trừ những hôm trời mưa, chú đều đưa cô đi trên chiếc xe lăn này, mỗi bận đi, về khoảng 4 ki lô mét, coi như là chú vừa đi bộ tập thể dục, vừa giúp cô khuây khỏa, gặp gỡ, thăm hỏi người quen, kết hợp đi chợ luôn. Cô chú coi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tuổi già. Cô nói rằng từ lúc bị liệt đến giờ, tất cả mọi việc lớn, nhỏ trong nhà, giặt giũ, bếp núc, kể cả sinh hoạt cá nhân của cô đều một tay chú đảm đương. Nhưng chú không bao giờ than vãn một lời nào, trái lại rất yêu thương, chăm sóc cho cô từng li, từng tí. Nhờ vậy, nếu không nhìn thấy cô ngồi trên chiếc xe lăn, chẳng ai có thể biết đây là một người khuyết tật. Cô cũng khoe mỗi ngày cô cố gắng tập luyện cho đôi chân của mình, hy vọng một ngày nào đó cô có thể tự đứng dậy và có thể đi được để chia sẻ với chú những khó khăn, vất vả bấy lâu nay. Cô còn chia sẻ mấy năm trước, đứa con trai lớn của cô chú đã đành dụm tiền, mua vé cho cha mẹ đi du lịch ra tận Hà Nội, đến thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nữa. Khi tôi hỏi cô chú làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc như vậy, trong khi một người thì đau đớn về thể xác, một người thì phải vất vả mưu sinh và phải chăm sóc cho người kia, cô chú không một chút ngần ngại, đắn đo trả lời ngay: chính nhờ tình yêu, sự sẻ chia và nghị lực đã giúp cô vượt qua tất cả để sống, để chiến thắng bệnh tật và cũng giúp chú thực hiện được những công việc lẽ ra là của phụ nữ. Nghe cô chú trả lời, tôi thật sự khâm phục. Bởi lẽ việc một người vợ chăm lo một người chồng bệnh tật nhiều năm là chuyện bình thường và có thể nói là phổ biến, nhưng việc một người chồng như chú Lời đã dành trọn tình yêu thương cho người vợ bệnh tật của mình là điều không phải ai cũng làm được, nhất là trong cuộc sống hiện nay. Chính vì vậy, khi nhìn thấy đôi vợ chồng hạnh phúc đó, tôi quyết tâm phải tìm hiểu, phải làm một điều gì đó để nói, để viết về họ nhân Ngày Gia đình Việt Nam, qua đó nhắn gửi tới mọi người, mọi gia đình rằng hạnh phúc chỉ có được khi người ta thật sự yêu thương và cùng sẻ chia./.

Tác giả bài viết: Họa My

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay2,171
  • Tháng hiện tại81,910
  • Tổng lượt truy cập15,104,051
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây