Cuộc gặp gỡ ấn tượng và xúc động sau 40 năm

Thứ tư - 25/04/2012 16:06 1.837 0
Ngày 01/4/2012 vừa qua là một ngày thật sự đáng nhớ. Đáng nhớ không chỉ bởi hôm ấy trời mưa dầm, mưa suốt ngày vì ảnh hưởng của cơn bão số một- cơn bão được các giới chuyên môn cho là bất thường trong năm mà còn là ngày đáng nhớ không phải chỉ của một người mà là nhiều người, rất nhiều người, trong số đó có cả tôi.
Ngày 01/4/2012 vừa qua là một ngày thật sự đáng nhớ. Đáng nhớ không chỉ bởi hôm ấy trời mưa dầm, mưa suốt ngày vì ảnh hưởng của cơn bão số một- cơn bão được các giới chuyên môn cho là bất thường trong năm mà còn là ngày đáng nhớ không phải chỉ của một người mà là nhiều người, rất nhiều người, trong số đó có cả tôi. Như đã nói trong bài viết trước, theo giấy giới thiệu của Bộ chỉ huy Lữ đoàn, chúng tôi hứa sẽ đón tiếp các bác, các chú cựu chiến binh của Đoàn 77 - Bộ Tư lệnh Miền, tiền thân của Lữ đoàn phòng không 77 ngày nay, đã có một thời gian sống và chiến đấu tại mảnh đất Lộc Ninh anh hùng. Khi chia tay Lữ đoàn phòng không 77 và các chú cựu chiến binh Đoàn 77 tại Gò Vấp, chúng tôi ra về mang theo một lời hứa sẽ liên hệ, tìm giúp chú Nguyễn Văn Toản - người đã trực tiếp bắn rơi máy bay không người lái tại Lộc Ninh (V mục tiêu = 260m/s). Đoàn có hơn mười người, các chú có mặt tại Ban chỉ huy Quân sự huyện lúc hơn chín giờ sáng, sau khi rời Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh. Các chú đã lần lượt kể về những ngày tháng sống tại Lộc Tấn, đồi rừng Cấm…Ở đó, các chú đã được người dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ từng quả cà, trái mướp, ngọn rau để vượt qua khó khăn, mưa bom bão đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi rất vinh dự được gặp các chú - những người anh hùng bằng xương, bằng thịt với những chiến công lẫy lừng, được nghe các chú kể mà tưởng chừng những chiến công ấy mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng của các anh hùng được tôn vinh học tập và noi theo như: anh hùng liệt sĩ Bùi Anh Tuấn- tiểu đội trưởng A72/c3/d172, trong hơn một năm đã bắn rơi sáu máy bay, trong đó có một chiếc CH54 chở bốn mươi mốt sĩ quan ngụy, một chuẩn tướng Mỹ và một thiếu tướng Ngụy. Anh hùng Phan Công Nam trực tiếp bắn rơi mười máy bay và cùng khẩu đội bắn rơi mười hai chiếc khác, dũng cảm vác nòng súng 12,7 ly còn đỏ lửa cùng đồng đội chiến đấu chiếm lĩnh trận địa khi vai và hai tay bỏng rát. Anh hùng Hoàng Văn Quyết – trung đội trưởng A72/c3/d172 một mình bắn rơi mười bốn máy bay địch và trở thành chiến sĩ bắn rơi nhiều máy bay nhất quân chủng bằng tên lửa vác vai A72. Anh hùng Trần Văn Xuân trực tiếp bắn rơi tám máy bay địch và chỉ huy tiểu đội bắn rơi sáu chiếc khác. Chúng tôi còn được nghe kể về nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khác như Đoàn Văn Phán, Nguyễn Văn Thoa, Phạm Văn Dẫn, Lê Hữu Tựu ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên chiến tuyến bảo vệ bầu trời. Nhiều tập thể anh hùng mãi mãi rạng danh trong sử sách như Đại đội 3/d172, Tiểu đoàn 12, Tiểu đoàn 24 (Z20) súng máy 14,5 ly, Tiểu đoàn tên lửa vác vai A 72 (d 172), Trung đoàn 71. Sau bữa cơm thân mật, thắm tình đồng chí, đồng đội tại Ban chỉ huy Quân sự huyện, chúng tôi đã đưa đoàn về lại nơi cách đây ba mươi chín năm họ đã bắn máy bay. Theo lời các chú kể, nơi đó trước kia là một ngọn đồi, còn giờ đây là nhà của người dân, được bao quanh bằng những vườn cây ăn trái, cao su và dó bầu. Nếu không có cán bộ Ban chỉ huy Quân sự huyện, người dân địa phương chỉ thì các chú không thể nào hình dung nổi nơi ngày xưa mình đã từng chiến đấu và đã bắn rơi máy bay Mỹ. Thật may, khi hỏi thăm về gia đình mà chú Nguyễn Văn Toản muốn tìm, chúng tôi đã liên hệ được. Đó là cụ Kim, có con trai là liệt sĩ tên Mộc, một con trai khác tên Thủy, gia đình trước sống ở ấp 5B Lộc Tấn, nay ở ấp Cây Chặt. Chính gia đình bà cụ đã nuôi nấng, giúp đỡ chú Toản và nhiều đồng đội của chú, mặc dù nhà cụ Kim khi ấy chỉ là một ngôi nhà rất nhỏ ở nơi sơ tán. Khi báo tin này cho chú Toản, chú đã vô cùng xúc động. Không phải một mình chú Toản đi với chúng tôi mà là cả đoàn cùng đến thăm gia đình. Anh Thủy - con trai bà cụ đã nhận ngay ra chú Toản, bốn mươi năm trước anh chỉ mới mười ba tuổi. Khi gặp lại cụ Kim nay đã chín mươi ba tuổi, cụ đã không còn nhớ ra tên chú Toản, nhưng khi mọi người nhắc đến người đã bắn rơi máy bay là cụ nhớ ngay, cười móm mém. Chú Toản xúc động, ôm chầm lấy bà cụ, kể cho cụ nghe về ký ức của bốn mươi năm trước. Thật cảm động biết bao, một cụ bà đã ngoài chin mươi, tóc bạc, lưng còng, da nhăn nheo, một bên mắt hầu như nhắm nghiền, chỉ một mắt mở và nhìn thôi, nhưng cụ vẫn còn ngồi dậy được, nói được và miệng luôn cười. Còn người chiến sĩ năm xưa nay cũng ngoài bảy mươi, tai bị lãng vì tuổi già và cũng do ảnh hưởng của chiến tranh, họ vẫn nói, vẫn kể rất nhiều, dù không biết người kia có thể nghe được không. Nhưng chắc chắn một điều là họ hiểu tất cả những tình cảm quân dân sâu nặng, không gì lay chuyển nổi. Chú Toản lấy trong bóp của mình ra, gửi biếu cụ một chút tiền từ khoản lương hưu của chú. Chú nói rằng chú thật bất ngờ và xúc động không nghĩ rằng mình còn có ngày gặp lại cụ Kim. Những bức ảnh có chú Toản, cụ Kim, anh Thủy- con trai cụ, con gái anh Thủy- tức cháu nội cụ Kim và cả cháu cố của cụ, tức cháu ngoại của anh Thủy được đồng đội của chú, phóng viên của Lữ đoàn 77 đi cùng, phòng viên Đài truyền thanh của huyện chụp lại rất nhiều. Xúc động nhất là hình ảnh người chiến sĩ bắn máy bay năm xưa ôm hôn bà cụ như một lời tri ân sâu sắc. Chứng kiến hình ảnh ấy, đồng đội của chú Toản có người cũng đã bật khóc. Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh ấy. Chia tay cụ Kim và gia đình, chúng tôi đưa đoàn về lại rừng Cấm, nơi cách đây bốn mươi năm lực lượng phòng không A72 - Tiểu đoàn 172 đã đóng quân. Nơi đây giờ không còn rừng nữa, nhưng họ vẫn nhớ như in phiến đá như chiếc bàn cờ, cây xoài mút, cây sung năm xưa. Họ đã chụp hình lưu niệm, ghi dấu lại những kỷ niệm của một thời hào hùng. Trời mưa, gió lạnh nhưng các chú hầu như không để ý, chỉ nhắc cho nhau nghe những câu chuyện của quá khứ đầy gian lao, thử thách nhưng rất đỗi tự hào. Rồi thời gian cũng trôi đi nhanh chóng. Đoàn phải tạm biệt Lộc Ninh về lại Lữ đoàn 77, để rồi ngày mai, mỗi người cựu chiến binh lại trở về ngôi nhà thân yêu của mình, vui vầy bên con cháu. Họ hứa với nhau sẽ trở lại Lộc Ninh đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi mong sao ngày ấy các bác, các chú vẫn giữ được sức khỏe tốt để còn được gặp lại nhau./.

Tác giả: Họa My

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,582
  • Tháng hiện tại69,630
  • Tổng lượt truy cập16,201,803
Nông thôn mới
Thủ tục hành chính
Văn bản mới ban hành
Người Việt dùng hàng Việt
Tìm hài cốt liệt sĩ
Thông tin người phát ngôn
bank
QC Bên trai 1
QC Bên PHAI 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây