Tuyên truyền công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Thực hiện Quyết định số 1954/QĐ- UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về việc công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Công văn số 506/STTTT-BCXB ngày 19/7/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc tuyên truyền công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Trang thông tin điện tử huyện Lộc Ninh tuyên truyền một số nội dung liên quan đến dịch bệnh bạch hầu hiện nay trên địa bàn tỉnh:
1. Sơ lược một số đặc điểm của bệnh bạch hầu:
- Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc, bệnh lây theo đường hô hấp do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn bạch hầu xâm nhập cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp (gây bệnh bạch hầu họng, thanh quản); màng tiếp hợp mắt (gây bệnh bạch hầu mắt); thính giác (bạch hầu tai); da tổn thương (bạch hầu da)…Thể bệnh bạch hầu họng (thường gặp): Bệnh cảnh lâm sàng là viêm họng giả mạc và nhiễm độc toàn thân. Trực khuẩn bạch hầu sống rất lâu trong giả mạc và trong họng của những bệnh nhân đang ở thời kỳ lại sức (ở chỗ viêm, tới 6 tháng sau cấy vi khuẩn vẫn còn mọc). Người ta cũng thấy nó sống rất lâu (tới vài tháng) trên các đồ chơi của trẻ em bị bệnh bạch hầu, trên áo choàng của nhân viên y tế, trong các buồng bệnh điều trị bạch hầu.
- Nguồn lây chủ yếu là người bệnh (thể điển hình hoặc thể ẩn). Người bệnh bài tiết vi khuẩn từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến lúc khỏi về lâm sàng. Khi nói chuyện vi khuẩn theo nước bọt lây trực tiếp từ người này sang người khác, hoặc lây qua đồ dùng bị dính vi khuẩn bạch hầu. Người vừa khỏi bệnh còn mang vi khuẩn từ 2 tuần đến vài năm.
- Khi mắc bệnh bạch hầu sẽ phải cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi…bằng dung dịch sát khuẩn. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng.
- Theo thống kê của tỉnh Bình Phước, căn bệnh này xuất hiện từ cuối tháng 6. Tính đến ngày 12/7, số ca mắc phải chùm bệnh bạch hầu là 31 người (xã Thuận Lợi có 30 ca, xã Thuận Phú có 1 người).
- Ngoài 3 nạn nhân đã tử vong, 6 ca đã xuất viện thì vẫn còn 22 ca đang điều trị tại Trạm Y tế xã Thuận Lợi, Bệnh viện Nhiệt Đới, Chợ Rẫy (TP.HCM)…
- Thời điểm nhập viện, các bệnh nhân đều ở trong tình trạng sốt, viêm amidan. 3 người tử vong do phát hiện bệnh quá muộn.
2. Một số biện pháp thực hiện:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tình hình dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu, mức độ nguy hiểm, cách phát hiện và phòng ngừa dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu, chủ động phát hiện sớm các ổ dịch, dấu hiệu mắc bệnh do vi khuẩn bạch hầu để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh.
- Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, ưu tiên chuyển tải các thông điệp và khuyến cáo đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh từ dưới 1 tuổi đến 25 tuổi, về bệnh và cách phòng, chống dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu để CBCCVC và người lao động chủ động phòng, chống dịch bệnh.
- Các bệnh nhân bạch hầu cần được phát hiện sớm và đưa ngay tới cơ sở điều trị gần nhất để được săn sóc và tránh lây lan. Phương pháp điều trị được áp dụng là dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, giải độc tố bạch hầu…
- Thông báo ngay cho Trung tâm Y tế địa phương khi phát hiện có nghi vấn người bị mắc bệnh, cần cách ly và đưa đến bệnh viện gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên đây là một số nội dung tuyên truyền và biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi khuẩn bạch hầu đến toàn thể CBCC-VC và người lao động, nhân dân trên địa bàn huyện được biết./.
Tác giả: Ngọc Mạnh - (VP)