Những Phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi ở huyện Lộc Ninh
Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, với tinh thần cần cù, chịu khó, tích cực học tập, lao động, sáng tạo, phụ nữ huyện Lộc Ninh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. Nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và có nhiều đóng góp cho xã hội.
Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, năm 1987 chị Phan Ngọc Tuyết từ Đồng Nai lên xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu trên quê hương mới còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2006, chị được chị em trong xã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Quang. Vừa tham gia công tác Hội, chị vừa tranh thủ thời gian làm kinh tế gia đình. Nhận thấy đất đai ở Lộc Quang phù hợp cho cây tiêu phát triển, chị đã mạnh dạn vay vốn từ quỹ tiết kiệm “Vì phụ nữ nghèo” của xã và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư trồng tiêu. Đến nay, chị đã có trên 1.000 nọc tiêu cho thu hoạch. Năm 2012 chị còn mở tiệm làm bánh tại gia đình. Thu nhập hàng năm của gia đình chị trên 500 triệu đồng. Tháng 6/2015, chị nghỉ công tác tại xã và tiếp tục tham gia công tác phụ nữ tại Chi hội phụ nữ ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang. Dù ở cương vị nào chị cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được mọi người quý mến. Chị Phan Ngọc Tuyết luôn tận tình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua chị đã giúp đỡ 02 trường hợp sinh viên nghèo hiếu học bước tiếp trên giảng đường đại học, 04 trường hợp người già neo đơn không nơi nương tựa trong hơn 03 năm qua, với số tiền hàng chục triệu đồng.
Chị Phan Ngọc Tuyết còn là một trong những tấm gương tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Chị Nguyễn Thị Huyền - ấp Vẻ Vang, xã Lộc Phú cũng là một tấm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện Lộc Ninh. Năm 2000, gia đình chị Huyền là hộ nghèo của xã, chị đã cùng gia đình làm đủ nghề để mưu sinh. Ban đầu có được ít vốn chị mua vài sào đất để trồng cây ngắn ngày, dần dần mở rộng diện tích vườn trồng tiêu. Năm 2005 chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã Lộc Phú.Đến nay, gia đình chị Huyền đã có trên 3.000 nọc tiêu cho thu hoạch. Chị còn mở cơ sở thu mua nông sản cho bà con nông dân tại địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động, với mức thu nhập hàng tháng trên 05 triệu đồng. Thu nhập hàng năm của gia đình chị từ vườn tiêu và thu mua nông sản trên 800 triệu đồng. Chị còn rất tích cực tham gia công tác Hội phụ nữ và giúp đỡ chị, em có hoàn cảnh khó khăn.
Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Lộc Ninh đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp cho xã hội.Việc làm của các chị, đã góp phần tô điểm thêm phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.